Trường THCS Nguyễn Văn CừPhòng giáo dục và đào tạo Thủ Dầu Một
Báo cáo tham luận Về hiệu quả hoạt động của mô hình thư viện số tại Trường THCS Nguyễn Văn Cừ
Thứ bảy - 10/05/2025 17:48
Thực hiện công văn số 1189/SGDĐT-GDPT ngày 24/4/2025 về việc triệu tập Hội thảo chuyên đề Câu lạc bộ Hiệu trưởng trường THCS lần 3 năm học 2024-2025; công văn số 559/PGDĐT-THCS ngày 25/4/2025 về việc triệu tập Hội thảo chuyên đề Câu lạc bộ Hiệu trưởng trường THCS lần 3 năm học 2024-2025. Hội thảo được tại thực hiện tại trường TH-THCS-THPT Lê Quý Đôn và các trường THCS thuộc thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận với chủ đề: "Phát triển thư viện số và tài nguyên học tập trực tuyến. Cô Dương Thị Hào - Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Văn Cừ báo cáo tham luận Về hiệu quả hoạt động của mô hình thư viện số.
BÁO CÁO THAM LUẬN
Về hiệu quả hoạt động của mô hình thư viện số tại Trường THCS Nguyễn Văn Cừ
I. ĐẶT VẤN ĐỀ
Trong bối cảnh chuyển đổi số ngày càng trở thành xu thế tất yếu, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác giảng dạy và quản lý thư viện là một trong những bước đi quan trọng. Với mục tiêu không chỉ nâng cao chất lượng học tập mà còn giúp học sinh phát triển kỹ năng tự học, Trường THCS Nguyễn Văn Cừ đã triển khai mô hình thư viện số từ đầu năm học 2024 - 2025, với những mục tiêu cụ thể:
Tăng cường khả năng tiếp cận tài liệu học tập cho học sinh, giáo viên, từ sách giáo khoa, tài liệu tham khảo, đến các học liệu bổ sung;
Đổi mới phương thức quản lý thư viện, giúp việc quản lý tài liệu trở nên linh hoạt và dễ dàng hơn, đồng thời tiết kiệm chi phí và thời gian. II. VÀI NÉT VỀ NHÀ TRƯỜNG
Trường THCS Nguyễn Văn Cừ được thành lập theo quyết định số 01/QĐ.UB ngày 01 tháng 3 năm 2004 của UBND thị xã Thủ Dầu Một tỉnh Bình Dương, trường được tách ra từ khối cấp 2 của trường Trung học phổ thông Chuyên Hùng Vương và chính thức đi vào hoạt động từ năm học 2007 - 2008 tại cơ sở của trường Trung học phổ thông Chuyên Hùng Vương.
Năm 2005 trường được đầu tư xây dựng trong một khuôn viên rộng trên 12.243 m2 tại số 126, khu phố 7, phường Chánh Mỹ, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương với đầy đủ phòng học và phòng chức năng, sân chơi, bãi tập theo hướng chuẩn Quốc gia.
Năm học 2024-2025 trường có 51 CB, GV, NV và 901 học sinh. Đội ngũ giáo viên đầy nhiệt huyết, yêu nghề và đạt chuẩn về đào tạo 100% (40/40), trong đó có giáo viên có trình độ trên chuẩn là 5% (02/40), giáo viên luôn gắn bó với trường lớp và thương yêu học sinh.
Thư viện nhà trường được bố trí tại tầng 1 dãy hành chính, thuận lợi cho việc tiếp cận và sử dụng, truy cập tài liệu của giáo viên và học sinh. Tổng diện tích của Thư viện nhà trường rộng 270 m¬2 gồm phòng đọc của học sinh rộng 70 m¬2, phòng đọc của giáo viên rộng 60 m¬2, kho sách rộng: 140 m¬2. Ngoài ra nhà trường còn bố trí khu “Thư viện xanh”, “Tủ sách di động”, Góc thư viện tại lớp, …để tăng không gian đọc sách cho học sinh và giáo viên.
Phòng Thư viện bố trí 5 máy tính cho thầy cô và học sinh truy cập thư viện số, đồng thời phân công giáo viên quản lý để khai thác, sử dụng 02 phòng máy tin học cho học sinh và giáo viên có thể sử dụng truy cập thư viện số trong thời gian giảng dạy, học tập tại trường. III. CÁC HOẠT ĐỘNG VÀ CÁCH THỨC TRIỂN KHAI THƯ VIÊN SỐ TẠI NHÀ TRƯỜNG.
1. Hạ tầng và phần mềm sử dụng
Nhà trường đã đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang bị đường truyền internet tốc độ cao, các thiết bị máy tính tại thư viện và các phòng học, tạo điều kiện thuận lợi cho việc truy cập thư viện số. Phần mềm thư viện số được lựa chọn là nền tảng thư viện hiện đại DLib K12 công nghệ Cloud & AI giúp tổ chức và quản lý tài liệu học tập một cách khoa học và hiệu quả đáp ứng các tiêu chuẩn cấp độ 2 theo thông tư 16 về phần mềm quản lý và nguồn tài nguyên thông tin đa phương tiện. 2. Nguồn học liệu đa phương tiện
Thư viện số không chỉ cung cấp sách giáo khoa mà còn mở rộng với các tài liệu tham khảo đa dạng như bài giảng điện tử, video học tập, podcast và bộ flashcard. Đây là kho tài nguyên phong phú, phục vụ cho việc học tập và ôn luyện hiệu quả của học sinh:
- Tài nguyên giấy: Hiện thư viện có hơn 3000 bộ sách giáo khoa, 4545 bộ sánh tham khảo, 1345 bộ sách nghiệp vụ phục vụ giáo viên và học sinh, có thể tham khảo tại thư viện hoặc mượn về nhà. Hiện tại nhà trường đã số hóa được 37% số sách trong thư viện. Trong thời gian tới, nhà trường sẽ phối hợp cùng DLib K12 để tiếp tục số hóa các tài liệu tham khảo, đưa lên thư viện số, giúp giáo viên và học sinh dễ dàng tra cứu tài liệu.
- Tài nguyên thư viện số: Nhà trường đã xây dựng hơn 4000 tài nguyên đa phương tiện cùng với DLib K12, bao gồm hơn 300 sách điện tử, sách nói, truyện thiếu nhi, truyện tiếng Anh, sách tham khảo; 500 video bài giảng, 600 podcast với nhiều chủ đề khác nhau; 300 bộ flashcards học tiếng Anh, 500 đề thi trắc nghiệm online, và 1000 tài liệu tham khảo, giáo án điện tử, bài giảng điện tử, sáng kiến kinh nghiệm, cùng các văn bản biểu mẫu. Trong thời gian tới, nhà trường sẽ phối hợp với DLib K12 để hoàn thiện việc đưa tất cả tài nguyên nội sinh lên thư viện số và phát động các phong trào phát triển tài nguyên từ chính đội ngũ giáo viên của trường. 3. Hoạt động đào tạo và tập huấn
Để đảm bảo học sinh và giáo viên có thể sử dụng hiệu quả thư viện số, nhà trường đã tổ chức các buổi tập huấn, cung cấp tài khoản cho giáo viên và học sinh về cách thức truy cập, tìm kiếm và khai thác tài liệu. Các buổi tập huấn trực tuyến qua nền tảng Google Meeting và tham gia các hội thảo chuyên đề do Sở, Phòng Giáo dục và Đào tạo tổ chức đã giúp nâng cao nhận thức và kỹ năng của toàn thể cán bộ giáo viên và học sinh. 4. Hoạt động hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa Đọc Việt Nam
Nhà trường đã tham gia tích cực vào phong trào "Tuần lễ đọc sách Thư viện số", qua đó khuyến khích học sinh hình thành thói quen đọc sách, tìm kiếm tài liệu và học hỏi từ nguồn tài nguyên sẵn có trong thư viện số. song song với việc tổ chức các không gian đọc cho học sinh tại thư viện, tại lớp học, khu thư viện xanh IV. HIỆU QUẢ ĐẠT ĐƯỢC 1. Về phía học sinh
Mô hình thư viện số đã giúp học sinh chủ động hơn trong việc tiếp cận kiến thức mọi lúc, mọi nơi. Tỷ lệ học sinh sử dụng thư viện số tăng mạnh, đặc biệt là học sinh khối 9, với hơn 90% học sinh sử dụng thư viện để tra cứu tài liệu ôn thi vào lớp 10. 2. Về phía giáo viên
Giáo viên đã tiết kiệm thời gian soạn giáo án, dễ dàng chia sẻ tài liệu với học sinh. Việc cập nhật và chia sẻ tài liệu học tập cũng được thực hiện nhanh chóng và hiệu quả hơn, giúp giáo viên linh hoạt hơn trong công tác giảng dạy. 3. Về công tác thư viện
Thư viện số không chỉ là nơi lưu trữ tài liệu mà còn là công cụ hỗ trợ đắc lực cho quá trình giảng dạy và học tập. Các tài liệu học tập được quản lý hiệu quả, dễ dàng truy cập và cập nhật thường xuyên. V. KHÓ KHĂN VÀ GIẢI PHÁP
1. Khó khăn
Mặc dù mô hình thư viện số đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng vẫn còn một số thách thức:
- Khó khăn lớn nhất là thói quen sử dụng thư viện truyền thống. Kỹ năng sử dụng công nghệ của một vài giáo viên còn hạn chế.
- Việc cập nhật tài liệu đòi hỏi thời gian và công sức đáng kể từ đội ngũ giáo viên.
- Một bộ phận học sinh gặp khó khăn trong việc tiếp cận thiết bị và kỹ năng sử dụng công nghệ.
- Nhà trường chưa được đầu tư xây dựng “Thư viện thông minh”, hệ thống máy móc còn thiếu nên việc truy cập và rộng rãi cho tất cả giáo viên và học sinh nhà trường còn khó khăn. 2. Giải pháp khắc phục
- Đầu tư thêm thiết bị học tập dùng chung và mở rộng nguồn tài nguyên tài liệu.
- Nhà trường đã phân công cho các thành viên trong Ban Công nghệ thông tin tổ chức tập huấn, hướng dẫn trực tiếp cho thầy cô và học sinh sử dụng. Khuyến khích giáo viên tích cực tham gia cập nhật tài liệu và xây dựng các bài giảng, tài liệu học tập bổ sung.
- Đồng thời thông qua đội ngũ GVCN, truyền thông cho tất cả phụ huynh học sinh nhà trường để khuyến khích Phụ huynh cùng tham gia và tạo điều kiện cho học sinh tích cực sử dụng thư viện số tại nhà. 3. Định hướng phát triển
Trong thời gian tới, Trường THCS Nguyễn Văn Cừ sẽ tiếp tục:
- Phối hợp với DLib K12 mở rộng kho học liệu số, bổ sung các tài liệu hữu ích cho việc ôn luyện và học tập.
- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong việc học tập và giảng dạy qua việc sử dụng các phần mềm học tập tích hợp và các phương thức tương tác như mã QR, ứng dụng trên điện thoại di động.
- Phát động các phong trào đọc sách, tìm kiếm tài liệu và sử dụng thư viện số thường xuyên để nâng cao sự chủ động trong học tập của học sinh. VI. KẾT LUẬN
Mô hình thư viện số tại Trường THCS Nguyễn Văn Cừ đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực, đóng góp không nhỏ vào việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh và giáo viên trong việc học tập và giảng dạy. Tuy nhiên, vẫn còn một số thách thức trong việc duy trì và cập nhật tài nguyên số, cũng như trong việc tổ chức các hoạt động thư viện sao cho hấp dẫn và phong phú hơn nữa. Trong thời gian tới, nhà trường cần tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của thư viện số, đồng thời tăng cường sự phối hợp giữa các bộ phận trong trường để thư viện ngày càng phát huy vai trò quan trọng trong việc phát triển văn hóa đọc và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Chúng tôi tin tưởng rằng, với sự nỗ lực không ngừng của toàn thể cán bộ, giáo viên và học sinh, mô hình này sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ và đạt được nhiều thành tựu mới.
Một số hình ảnh:
Thầy Nguyễn Văn Phong - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Dương phát biểu
Quang cảnh Hội thảo
Cô Dương Thị Hào - Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Văn Cừ báo cáo tham luận